Bạn mới tốt nghiệp và đang bước chân vào thị trường lao động, nhưng việc tạo ra một bản CV ấn tượng đang là một thách thức đối với bạn? Đừng lo lắng ! Bài viết này của Mektec Việt Nam sẽ cung cấp cho bạn cách viết CV cho người mới ra trường thật độc đáo và chuyên nghiệp, giúp bạn nổi bật giữa đám đông và thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng.
Tầm Quan Trọng Của Việc Tạo CV Cho Sinh Viên Mới Tốt Nghiệp
Việc tạo CV cho sinh viên mới tốt nghiệp là một bước quan trọng trong quá trình tìm kiếm việc làm và xây dựng sự nghiệp, cụ thể là:
Tạo Ấn Tượng Đầu Tiên Với Nhà Tuyển Dụng
CV là tài liệu đầu tiên mà nhà tuyển dụng nhìn vào để đánh giá ứng viên. Một bản CV rõ ràng, chuyên nghiệp và chỉn chu sẽ giúp các bạn sinh viên mới tốt nghiệp tạo ấn tượng tốt ban đầu, tăng cơ hội tiến sâu vào các vòng tiếp theo của quá trình tuyển dụng.
Tăng Khả Năng Cạnh Tranh
CV là tài liệu giúp ứng viên mới ra trường nêu bật những kỹ năng và kinh nghiệm đã tích lũy được qua các hoạt động ngoại khóa, thực tập, dự án nghiên cứu hoặc công việc bán thời gian. Thông qua đó, nhà tuyển dụng thấy được tiềm năng và năng lực của bạn. Giữa thị trường lao động cạnh tranh như hiện nay, đặc biệt đối với sinh viên mới ra trường, một CV được thiết kế tốt và nêu bật những điểm mạnh độc đáo sẽ giúp bạn nổi bật giữa đám đông ứng viên.
Thể Hiện Sự Chuyên Nghiệp
Việc tạo ra một CV khoa học và chuyên nghiệp thể hiện sự nghiêm túc và trách nhiệm của các bạn ứng viên đối với công việc và sự nghiệp của mình. Với các bạn sinh viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng thì thái độ chuyên nghiệp có thể giúp các bạn tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
Hỗ Trợ Phát Triển Sự Nghiệp
CV không chỉ quan trọng khi bạn mới ra trường, mà còn là tài liệu cần thiết khi bạn muốn thay đổi công việc hoặc tiến xa hơn trong sự nghiệp. Việc có một CV được cập nhật thường xuyên giúp bạn luôn sẵn sàng cho những cơ hội mới.
Hướng dẫn chi tiết cách viết CV cho người mới ra trường
Mục tiêu nghề nghiệp ấn tượng
Đối với CV dành cho sinh viên mới ra trường, mục tiêu nghề nghiệp ấn tượng sẽ giúp nhà tuyển dụng thấy rằng bạn tập trung và quyết tâm theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực ấy.
Hầu hết những người có CV được chọn vào vòng sau sẽ có bản tóm tắt không phức tạp vì định hướng nghề nghiệp của họ. Tuy nhiên, bạn cùng nên đơn giản hóa nó quá mức bằng những câu tuyên bố thiếu căn cứ.
Thay vào đó, hãy biến câu tóm tắt này thành một lời khẳng định thực tế và có liên quan. Câu khẳng định ấy nên:
- Xuất hiện ở đầu CV của bạn
- Độ dài trong khoảng 2-4 câu đơn.
- Hãy trình bày tổng quan về tình hình hiện tại của bạn – “Tôi vừa tốt nghiệp ngành…”
- Tích cực và sôi nổi
- Cụ thể chi tiết những gì bạn muốn làm – “Tôi đang tìm kiếm một công việc với tư cách là … trong lĩnh vực …”
>> Xem thêm Cach viet muc tieu nghe nghiep trong CV
Trình bày đầy đủ thông tin cá nhân
Trình bày đầy đủ thông tin cá nhân sẽ là một trong những yếu tố quan trọng trong CV dành cho sinh viên mới ra trường. Bởi lẽ, đây là tiêu chuẩn chung và được yêu cầu bởi tất cả các nhà tuyển dụng.
Thế nhưng, bạn cũng cần lưu ý rằng bạn không nên ghi những thông tin không cần thiết như tình trạng hôn nhân hay giới tính của mình. Và đừng quên đảm bảo những chi tiết cá nhân của bạn được đặt rõ ràng ở phần đầu trong CV và không chiếm quá nhiều diện tích.
Các yếu tố cần thiết bao gồm:
- Tên
- Địa chỉ bưu điện
- Địa chỉ email
- Số điện thoại
Trình độ học vấn
Trình độ học vấn sẽ giúp nhà tuyển dụng thấy được mối liên quan giữa bạn và công việc bạn sắp gắn bó. Đồng thời, việc tham gia các khóa học bên ngoài sẽ chứng tỏ với nhà tuyển dụng rằng bạn là người ham học hỏi, thích tìm hiểu những kiến thức mới bên ngoài.
Hãy viết trình độ học vấn của bạn theo thứ tự từ hiện tại đến quá khứ. Nếu là CV dành cho sinh viên mới ra trường, bạn hãy bắt đầu với bằng cấp đại học, cao đẳng của mình. Bạn hãy tập trung vào điểm số, chuyên ngành và những trải nghiệm ngoại khóa của mình.
Một mẹo nhỏ khác khi tạo CV xin việc cho các bạn sinh viên chưa tốt nghiệp, hoặc mới ra trường chính là đảo ngược lại thứ tự của mục “kinh nghiệm làm việc” và “trình độ học vấn”. Hãy để học vấn của bản thân lên đầu tiên để làm nổi bật hơn khi bản thân chưa có cơ hội “chinh chiến” thực tế nhiều, bạn nhé!
Kinh nghiệm làm việc
Nếu trong quá trình học đại học, bạn có kinh nghiệm đi làm song song thì đây là một điểm cộng rất lớn. Việc đã quen với môi trường công sở ngay khi còn là sinh viên sẽ khiến nhà tuyển dụng nhìn nhận bạn là một người có kinh nghiệm thực tiễn. Hãy tìm cách thể hiện rõ thông tin ấy nhé.
Cách viết CV cho người mới ra trường
Tuy nhiên, nếu như bạn còn là “một tờ giấy trắng” thì cũng đừng quá lo lắng. Nhà tuyển dụng khi xét duyệt CV dành cho sinh viên mới ra trường thường sẽ không đòi hỏi quá nhiều kinh nghiệm làm việc. Bạn hoàn toàn có thể bỏ vào đây những kinh nghiệm khi tham gia câu lạc bộ, thực tập sinh hay tham gia những công tác tình nguyện để nhà tuyển dụng nhìn thấy được tiềm năng của bạn thông qua những kinh nghiệm ấy.
Kinh nghiệm làm việc của bạn sẽ bao gồm:
- Công ty hoặc tổ chức, ngày tháng và chức danh công việc
- Một câu nêu rõ vai trò bạn đã thực hiện
- Tóm tắt các trách nhiệm cụ thể mà bạn đã được giao
Nhấn mạnh kỹ năng phù hợp
Liệt kê các kỹ năng cùng lịch sử việc làm của bạn trong CV sẽ là một điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng.
Tuy nhiên, đừng giải thích quá dông dài đối với phần kỹ năng. Bạn chỉ cần sử dụng các gạch đầu dòng hoặc chia nó thành những phần nhỏ khác nhau: chẳng hạn như kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm.
Và nên nhớ, bạn chỉ cần liệt kê ra các kỹ năng liên quan tới tính chất công việc, đừng “nhồi nhét” một cách tham lam, thiếu chọn lọc nhé!
Các giải thưởng và hoạt động ngoại khóa
Các giải thưởng liên quan đến vị trí công việc bạn đang nộp vào sẽ giúp nhà tuyển dụng thấy được tố chất tiềm năng của bạn. Nếu như bạn đang nộp hồ sơ với vai trò là Giáo viên dạy môn Toán, thì giải thưởng Học Sinh Giỏi Toán Cấp Quốc Gia sẽ là một điểm sáng.
Bên cạnh giải thưởng, các hoạt động ngoại khóa cũng sẽ giúp bạn thể hiện cá tính trong CV dành cho sinh viên mới ra trường. Bạn có thể đề cập đến bất kỳ hoạt động ngoại khóa nào, miễn là bạn thấy mình đã học được nhiều từ đó.
Một lưu ý nhỏ: Hãy tránh liệt kê những bằng cấp hay hoạt động ngoại khóa không liên quan tới công việc ứng tuyển. Bên cạnh đó, bạn cũng cần đính kèm những bằng cấp hoặc giấy chứng nhận tham gia hoạt động ngoại khóa để chứng minh tính xác thực với phía tuyển dụng.
Thông tin người tham chiếu
Thông tin của người tham chiếu sẽ là phần thông tin để nhà tuyển dụng có thể xác minh rằng những điều bạn đề cập trong CV. Đặc biệt, bạn nên chọn những người có sức ảnh hưởng lớn trong những môi trường bạn từng tham gia, hoạt động để tăng mức độ uy tín của mình.
Những lưu ý khi viết CV cho sinh viên mới ra trường
Lưu ý về hình thức CV
- Chọn ngôn ngữ trước khi thao tác: đối với các mẫu CV cơ bản nhất, bạn có thể chọn 1 trong 2 ngôn ngữ tiếng Việt hoặc tiếng Anh trước khi cập nhật thông tin
- Được lựa chọn tone màu CV: một điều rất thú vị khi tạo CV trên website là các bạn được chọn tone màu cho CV - áp dụng cho mỗi thiết kế. Và thông thường cứ 1 mẫu CV sẽ có 3 tone màu cơ bản phù hợp cho cả nam và nữ
- Chọn phông chữ chuẩn để tránh các lỗi font: theo các chuyên gia CV, bạn chỉ nên chọn 1 trong font chữ Arial hoặc Times New Roman khi tạo CV vì đây là 2 font cơ bản dễ đọc và ít mắc lỗi nhất. Nếu mẫu CV bạn chọn chưa đặt về chữ chuẩn mặc định thì bạn có thể chủ động chuyển đổi font chữ trên thanh ngang công cụ
- Cỡ chữ: thường là cỡ chữ trung bình
- Cách dòng vừa phải: cấp độ 2.
Lưu ý khi trình bày nội dung
Để đảm bảo tính hiệu quả về mặt nội dung, khi trình bày các bạn cần lưu ý một số điểm sau đây:
- Viết cô đọng nội dung, không lan man, dài dòng
- Chỉ viết nội dung chính, tập trung vào những nội dung có ý nghĩa với mục đích CV (ứng tuyển vào vị trí nào, làm gì)
- Viết nội dung quan trọng theo thứ tự ưu tiên
- Viết nội dung theo thế mạnh của bản thân phù hợp với mục đích sử dụng
- Khai thác có trọng tâm nhất cho từng phần cấu trúc
- Không khai thác những yếu điểm của bản thân (ví dụ không có kinh nghiệm làm việc, bạn không nên viết “chưa có kinh nghiệm làm việc” mà có thể thay thế bằng những kinh nghiệm nhỏ chưa vững vàng, ví dụ như: làm thêm, làm cộng tác viên, làm partime, …)
- Đảm bảo tính phù hợp tương đối giữa hình thức với nội dung
Lưu ý sau khi hoàn thiện
Sau khi hoàn thiện CV, trước khi bấm vào mục “Lưu CV” thì các bạn nên dành ra khoảng 2 - 3 phút để soát lỗi, nhất là lỗi chính tả và lỗi dàn trang.
Trên đây là hướng dẫn cách viết CV cho người mới ra trường, hy vọng sẽ hữu dụng cho các bạn trong quá trình tạo CV xin việc, phỏng vấn tuyển dụng. Chúc các bạn thành công !