Trong quá trình xin việc, ngoài các yêu cầu về kiến thức chuyên môn và bằng cấp thì cách trả lời phỏng vấn khôn khéo cũng là một điểm mạnh quan trọng để doanh nghiệp quyết định bạn có phù hợp với vị trí đang được tuyển dụng hay không. Chính vì vậy, bạn đừng bỏ lỡ bài viết mà Mektec Viet Nam sắp chia sẻ sau đây về những kinh nghiệm trả lời phỏng vấn nhé !
1. Những bước cần chuẩn bị trước khi đi phỏng vấn
1.1 Tìm hiểu kỹ về công ty và công việc mà bản thân đang ứng tuyển
1.1.1 Về công ty đang ứng tuyển
Dựa trên kinh nghiệm đi phỏng vấn của các bậc tiền bối, ứng viên nên tìm hiểu kỹ các thông tin về công ty mà bản thân muốn ứng tuyển, nhất là về các giải thưởng, sự kiện quan trọng của công ty đó. Mọi người có thể tìm hiểu từ các trang web hay kênh truyền thông chính của doanh nghiệp để hiểu rõ thông tin về bộ máy điều hành, những cấp lãnh đạo, văn hóa cũng như các lĩnh vực đang kinh doanh của công ty.
Nếu bạn có nhiều thông tin về công ty muốn ứng tuyển thì có thể chuẩn bị tốt cho phần phỏng vấn của bản thân hơn và dễ dàng trở thành một ứng viên tiềm năng trong mắt các nhà tuyển dụng.
1.1.2 Về công việc muốn ứng tuyển
Bên cạnh việc tìm hiểu về công ty, bạn cũng cần nghiên cứu kỹ về trách nhiệm, vai trò của công việc mà bản thân muốn ứng tuyển. Sau quá trình nghiên cứu, chúng ta sẽ biết được những kiến thức và kỹ năng nào là cần thiết để có thể hoàn thành công việc tốt hơn. Mặt khác, khi đã hiểu rõ về công việc muốn ứng tuyển thì sẽ dễ dàng đặt câu hỏi về phúc lợi và mức lương của bản thân đối với các nhà tuyển dụng.
1.2 Chuẩn bị các câu hỏi và câu trả lời theo những bài phỏng vấn mẫu
- Trong quá trình phỏng vấn, sẽ có những câu hỏi về bản thân các ứng viên, vì vậy mỗi người cần có sự chuẩn bị trước các thông tin và cách trả lời phỏng vấn khi chưa có kinh nghiệm như: Ưu và nhược điểm bản thân, các thành tựu mà mình đã nhận được, mục tiêu công việc trong tương lai,...
- Những thông tin này có thể đã có sẵn trong CV nhưng sẽ không thừa thãi khi ghi nhớ sẵn trong đầu. Đừng tỏ vẻ là đã học thuộc mà bạn nên thể hiện một cách tự nhiên những gì bản thân có, để có thể khiến nhà tuyển dụng tin tưởng và giao công việc đó cho mình.
- Để thể hiện thành ý là bản thân muốn tìm hiểu về công ty và công việc này thì ứng viên có thể chủ động đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Hãy thử đặt khoảng 2 - 4 câu hỏi về các vấn đề trong công việc, mục tiêu của công ty,...
- Trong quá trình đặt câu hỏi, ứng viên tham gia phỏng vấn nên từ tốn và truyền tải chính xác nội dung để không tạo cảm giác như bị “tấn công” cho nhà tuyển dụng.
1.3 Chuẩn bị cho những câu hỏi khó và tình huống bất ngờ từ nhà tuyển dụng
Chúng ta không nên bất ngờ và tỏ ra bối rối, sợ hãi khi gặp những câu hỏi về điểm yếu của bản thân, hay những tình huống giả định như: Bạn sẽ làm gì khi là người A và bản thân sẽ giải quyết tình huống đó như thế nào khi mắc lỗi,... Đó là những câu hỏi để nhà tuyển dụng có thể đánh giá khả năng tư duy phản biện và cách giải quyết vấn đề của bạn.
Bên cạnh đó nó còn là cơ hội để bản thân thể hiện cá tính, sự nhạy bén. Giúp nhà tuyển dụng thấy được sự linh hoạt và thú vị trong cách trả lời của bạn. Việc sẵn sàng trả lời những câu hỏi khó cũng giống như bản thân dám đối mặt với các thử thách. Ứng viên nên biến những thử thách này thành kinh nghiệm trả lời phỏng vấn để có thể làm giảm áp lực cho chính mình.
1.4 Thực hành và luyện tập
Khi phỏng vấn bạn có thể sẽ gặp mặt với một hoặc nhiều nhà tuyển dụng như: Giám đốc, trưởng phòng, quản lý… Việc này sẽ khiến tâm lý của bản thân bị ảnh hưởng rất nhiều nên cần có sự luyện tập và thực hành trước ở nhà. Ứng viên có thể luyện tập để có thêm kinh nghiệm trả lời phỏng vấn bằng cách đứng trước gương hoặc nhờ bạn bè giả làm nhà tuyển dụng.
1.5 Chuẩn bị sẵn câu hỏi cho người tuyển dụng
Khả năng đặt những câu hỏi chất lượng cho nhà tuyển dụng là một trong những kinh nghiệm phỏng vấn xin việc quan trọng cho sự thành công của các ứng viên. Việc này sẽ thể hiện sự hiểu biết và quan tâm của bản thân đối với vị trí công việc muốn ứng tuyển. Các nhà tuyển dụng luôn cho điểm cộng và đánh giá cao với những ứng viên này hơn là những người chỉ biết bị động trả lời các câu hỏi đã được đưa ra.
Phỏng vấn là cuộc trao đổi hai phía, giữa người được phỏng vấn và nhà tuyển dụng. Vì vậy, bên cạnh việc chuẩn bị kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc các bạn còn cần phải biết cách đặt câu hỏi.
Ví dụ về một số câu hỏi cho nhà tuyển dụng:
- Anh/chị có thể giải thích một số trách nhiệm hằng ngày mà vị trí công việc này yêu cầu không?
- Nếu tôi làm việc ở vị trí này thì hiệu suất công việc của tôi sẽ được đo lường như thế nào? Và trong khoảng thời gian là bao lâu?
- Bộ phận này sẽ thường hợp tác làm việc với những bộ phận nào trong công ty?
1.6 Đem theo toàn bộ các tài liệu cần thiết
Người tham gia phỏng vấn nên đem theo toàn bộ các tài liệu cần thiết như: CV, thư xin việc, chứng chỉ hoặc các bằng cấp có liên quan. Kể cả khi bản thân đã gửi CV cho công ty trước đó rồi thì vẫn nên đem theo bản sao. Nếu có nhiều hơn 2 người phỏng vấn thì bản thân vẫn có thể cung cấp đủ tài liệu đến các nhà tuyển dụng. Điều này sẽ thể hiện sự cẩn trọng của mình trong mắt nhà tuyển dụng.
1.7 Tác phong ăn mặc nghiêm chỉnh và phù hợp với buổi phỏng vấn
Yếu tố đầu tiên để gây ấn tượng trong mắt các nhà tuyển dụng đó là tác phong, cách ăn mặc khi tham gia phỏng vấn của bạn. Mặc dù bạn có rất nhiều kinh nghiệm phỏng vấn và kiến thức giỏi, nhưng nếu xuất hiện với áo thun, quần bò ở buổi phỏng vấn thì vẫn sẽ bị đánh giá là kỹ năng phỏng vấn kém, xuề xoà, không có sự nghiêm túc, tôn trọng đối với doanh nghiệp. Vì vậy, hãy lựa chọn cho bản thân một bộ quần áo chỉn chu, gọn gàng và phù hợp với buổi phỏng vấn.
1.8 Đảm bảo sự đúng giờ
Đảm bảo sự đúng giờ là một yêu cầu bắt buộc trong tất cả những kỹ năng và kinh nghiệm đi phỏng vấn xin việc. Việc trễ giờ phỏng vấn sẽ thể hiện sự thiếu chuẩn bị và vô trách nhiệm của bản thân đối với doanh nghiệp, làm mất thời gian của cả hai bên.
Để tránh việc trễ hẹn, mọi người nên nghiên cứu trước 1 ngày về đường đi đến địa chỉ của công ty để có thể nắm rõ địa điểm. Bên cạnh đó, hãy chuẩn bị sẵn mọi thứ trước như trang phục, giấy tờ, tài liệu,... Các ứng viên nên đến trước giờ hẹn phỏng vấn khoảng 10, 15 phút để điều chỉnh tâm trạng, quần áo,...
2. Một số kinh nghiệm trả lời phỏng vấn
Để buổi phỏng vấn diễn ra thuận lợi bạn cần phải lưu ý một số kinh nghiệm trả lời phỏng vấn dưới đây:
2.1 Tâm lý vững vàng
Cảm giác căng thẳng, lo âu là điều dễ hiểu trong mọi cuộc phỏng vấn. Chúng tôi luôn khuyên bạn nên giữ tâm lý thật thoải mái và bình tĩnh trước, trong và sau buổi phỏng vấn. Khi gặp những câu hỏi khó, đừng quá vội vàng trả lời mà hãy nghiền ngẫm và bóc tách từng vấn đề được nêu ra rồi đưa ra cách giải quyết nhanh gọn nhất. Có thể câu trả lời của bạn chưa thật hoàn hảo, nhưng phong thái tự tin sẽ là một điểm cộng rất lớn trong mắt nhà tuyển dụng.
2.2 Một số câu hỏi phỏng vấn xin việc và kinh nghiệm trả lời
Dưới đây là một số câu hỏi được các nhà tuyển dụng sử dụng nhiều nhất khi phỏng vấn các ứng viên và cách trả lời gây ấn tượng nhất.
Câu 1: Bạn hãy giới thiệu về bản thân mình?
Mektec Việt Nam khuyên bạn nên trả lời câu hỏi này một cách ngắn gọn, tốt nhất là không quá 3 phút bởi phần lớn thông tin đã được thể hiện qua CV trước đó bạn nộp tới nhà tuyển dụng. Bạn có thể tóm tắt câu trả lời phỏng vấn xin việc trong các ý sau: Họ và tên, năm sinh, học vấn, kinh nghiệm làm việc. Tốt nhất hãy tập trung vào những công việc có liên quan tới vị trí đang ứng tuyển.
Câu 2: Định hướng và mục tiêu nghề nghiệp của bạn?
Câu hỏi này nhà tuyển dụng đưa ra nhằm muốn tìm hiểu bạn có phải là người biết đặt mục tiêu phù hợp với năng lực bản thân cũng như nghiêm túc với mục tiêu công việc sắp tới không.
Với câu hỏi này bạn có thể đưa ra mục tiêu ngắn gọn trong 1-2 năm sắp tới, đặc biệt nhấn mạnh nguyện vọng được gắn bó lâu dài với công ty và công việc.
Câu 3: Bạn có mong muốn gì nếu như vào làm việc tại công ty?
Nếu bạn đã xác định rõ ràng mong muốn của mình đối với công việc và môi trường làm việc thì hãy thẳng thắn chia sẻ về những điều bạn băn khoăn, cũng như đừng quên đặt câu hỏi về quyền lợi và chế độ đãi ngộ của công ty dành cho người lao động.
Câu 4: Mức lương bạn mong muốn là bao nhiêu?
Đừng bao giờ trả lời phỏng vấn xin việc rằng bạn không quan trọng vấn đề lương thưởng mà chỉ mong muốn được học hỏi và làm việc trong môi trường tốt, bởi một ứng viên thông minh sẽ biết tự đánh giá khả năng của bản thân để đưa ra một con số thích hợp. Bạn có thể dựa trên mức lương cho vị trí tương tự trên thị trường tuyển dụng cũng như dựa vào những đầu việc được giao cho vị trí ấy, cân nhắc đánh giá và đưa ra con số mong muốn phù hợp với năng lực của mình.
Câu 5: Tại sao bạn lại lựa chọn công ty chúng tôi?
Hầu hết các nhà tuyển dụng đều đưa ra câu hỏi này. Chúng tôi khuyên bạn có thể trả lời dựa vào các tiêu chí sau: Chế độ đãi ngộ và quyền lợi công ty đưa ra phù hợp với mong muốn của bạn, môi trường làm việc của công ty phù hợp với mục tiêu bạn đang theo đuổi, công việc mà bạn ứng tuyển là công việc bạn mơ ước và theo đuổi bấy lâu, v.vv.. Chú ý tập trung vào những lý do xoay quanh công việc và dự định tương lai của mình. Nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao những ứng viên biết chính xác mình muốn gì, cần gì và phải làm gì.
Những kinh nghiệm trả lời phỏng vấn xin việc
>> Xem thêm Tim viec lam tai Hung Yen
3. Những việc nên làm sau buổi phỏng vấn
Sau khi đã phỏng vấn xong, để có thể ghi thêm điểm trong mắt nhà tuyển dụng thì bạn nên thực hiện các điều sau:
- Gửi email cảm ơn: Nếu muốn được đánh giá là một ứng viên chuyên nghiệp, có thái độ tốt thì ứng viên nên gửi email để chia sẻ những cảm nhận về nội dung đã trao đổi trong buổi phỏng vấn, đồng thời nói cảm ơn với nhà tuyển dụng và sự hào hứng của bản thân về công việc.
Lưu ý:
- Nếu buổi phỏng vấn vào buổi sáng, bạn nên gửi email cảm ơn này vào buổi chiều cùng ngày.
- Nếu buổi phỏng vấn vào buổi chiều thì ứng viên có thể gửi email vào sáng hôm sau cũng được.
- Trả lời email đúng hẹn (nếu có): Nếu bạn nhận được email sau buổi phỏng vấn hay cần gửi email để bổ sung thêm thông tin vào thời gian đã thống nhất với nhà tuyển dụng, hãy đảm bảo rằng bản thân trả lời một cách lịch sự và gửi chúng đúng giờ.
Bài viết trên là “Những kinh nghiệm trả lời phỏng vấn mà bạn không nên bỏ qua” do Mektec Việt Nam đã chia sẻ. Đừng quên áp dụng những kiến thức bổ ích này để có thể chuẩn bị cho buổi phỏng vấn tốt nhất và dễ dàng hơn trong việc chinh phục nhà tuyển dụng các bạn nhé !