Trong quá trình xin việc, ngoài các yêu cầu về kiến thức chuyên môn và bằng cấp thì cách trả lời phỏng vấn khôn khéo cũng là một điểm mạnh quan trọng để doanh nghiệp quyết định bạn có phù hợp với vị trí đang được tuyển dụng hay không. Chính vì vậy, bạn đừng bỏ lỡ bài viết mà Mektec Viet Nam sắp chia sẻ sau đây về những kinh nghiệm khi đi phỏng vấn xin việc nhé !
1. Chuẩn Bị Kỹ Trước Khi Đi Phỏng Vấn
Để buổi phỏng vấn diễn ra thuận lợi, tránh lúng túng thì bạn nên có sự chuẩn bị trước với những hướng dẫn đi phỏng vấn như sau:
1.1 Tìm Hiểu Về Công Việc, Công Ty
Khi bước vào cuộc phỏng vấn, việc chuẩn bị kỹ lưỡng và nắm vững thông tin về công ty là chìa khóa để tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Điều quan trọng là bạn cần có kiến thức tổng quan về doanh nghiệp bao gồm quá trình hình thành và phát triển, các sản phẩm hoặc dịch vụ chính cũng như tầm nhìn và mục tiêu. Những thông tin này không chỉ đem lại tự tin mà còn thể hiện sự quan tâm và nghiêm túc của bạn đối với vị trí ứng tuyển.
Để thu thập thông tin chi tiết, bạn nên tận dụng các nguồn đa dạng như trang web chính thức của công ty, các nền tảng mạng xã hội và các bài báo gần đây về doanh nghiệp. Điều này không chỉ cung cấp cho bạn cơ sở để thảo luận trong cuộc phỏng vấn mà còn giúp bạn đánh giá xem môi trường làm việc có phù hợp với bản thân hay không.
Khi tham gia phỏng vấn, hãy tận dụng những kiến thức bạn đã tìm hiểu để thể hiện sự phù hợp của bạn với vị trí và công ty. Bạn có thể đề cập đến các dự án hoặc sáng kiến của công ty mà bạn thấy thú vị hoặc nêu ra cách mà kỹ năng và kinh nghiệm của mình có thể đóng góp vào mục tiêu của doanh nghiệp.
1.2 Tham Khảo Các Câu Hỏi, Câu Trả Lời Và Bài Phỏng Vấn Mẫu
Trong thời đại số hóa hiện nay, internet đã trở thành một kho tàng thông tin phong phú về quy trình phỏng vấn việc làm. Nhiều trang web chuyên về tuyển dụng và phát triển nghề nghiệp cung cấp các bộ câu hỏi phỏng vấn mẫu được thiết kế riêng cho từng vị trí công việc cụ thể. Việc tìm hiểu và nghiên cứu những tài liệu này không chỉ giúp bạn nắm bắt được xu hướng câu hỏi phỏng vấn hiện nay mà còn cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách thức nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên.
Tuy nhiên, điều quan trọng là không nên chỉ đơn thuần ghi nhớ các câu trả lời mẫu mà hãy sử dụng chúng như một hướng dẫn để có câu trả lời của riêng mình.
1.3 Thực Hành, Luyện Tập Nhuần Nhuyễn
Để nâng cao sự tự tin và khả năng ứng biến trong phỏng vấn, việc thực hành trả lời câu hỏi bằng lời nói là một phương pháp hiệu quả. Bạn có thể bắt đầu bằng cách tự diễn tập trước gương, sau đó tiến tới việc mô phỏng tình huống phỏng vấn với sự hỗ trợ của bạn bè hoặc người thân.
Khi họ đóng vai trò nhà tuyển dụng, bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm cảm giác như trong một cuộc phỏng vấn thực tế. Quá trình này không chỉ giúp bạn làm quen với việc diễn đạt ý tưởng một cách rõ ràng và mạch lạc mà còn giúp bạn điều chỉnh ngôn ngữ cơ thể và giọng điệu cho phù hợp.
1.4 Chuẩn Bị Câu Hỏi Cho Nhà Tuyển Dụng
Một số câu hỏi bạn có thể hỏi người phỏng vấn mình bao gồm:
- Anh/ chị có thể giải thích một số trách nhiệm hàng ngày mà công việc này đòi hỏi không?
- Bộ phận này làm việc nhóm thường xuyên với những bộ phận nào?
- Nếu tôi ở vị trí này, hiệu suất của tôi sẽ được đo lường như thế nào?
- …
1.5 Trang Phục Phù Hợp
Dù bạn có nhiều năm kinh nghiệm và kỹ năng xuất sắc, việc xuất hiện với trang phục không phù hợp như áo phông và quần jeans có thể tạo ra hình ảnh thiếu chuyên nghiệp và không tôn trọng. Điều này có thể khiến nhà tuyển dụng đánh giá thấp về khả năng phỏng vấn và mức độ nghiêm túc, bất kể trình độ chuyên môn thực tế của bạn như thế nào.
Ngược lại, việc chọn trang phục phù hợp, lịch sự và chỉn chu không chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với công ty và vị trí ứng tuyển mà còn tạo ấn tượng tốt về tính chuyên nghiệp của bạn. Bằng cách tránh những sai lầm trong cách ăn mặc khi phỏng vấn, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn và tạo được nền tảng thuận lợi cho cuộc trò chuyện sắp tới.
1.6 Mang Theo Tất Cả Các Tài Liệu Cần Thiết
Khi tham gia phỏng vấn, việc chuẩn bị và mang theo các tài liệu quan trọng là một bước không nên bỏ qua, bất kể bạn đã nộp hồ sơ trực tuyến trước đó. Mặc dù một số công ty có thể in sẵn CV của ứng viên nhưng không phải tất cả đều làm như vậy.
Do đó, việc mang theo bản in của hồ sơ ứng tuyển không chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp và cẩn trọng mà còn đảm bảo rằng nhà tuyển dụng có thể dễ dàng xem xét thông tin của bạn trong quá trình phỏng vấn. Hành động này còn thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần sẵn sàng của bạn, tạo ấn tượng tích cực với người phỏng vấn ngay từ đầu cuộc gặp gỡ.
1.7 Đến Buổi Phỏng Vấn Đúng Giờ
Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong quy tắc ứng xử khi phỏng vấn là đảm bảo đúng giờ. Việc đến muộn không chỉ thể hiện sự thiếu chuẩn bị mà còn cho thấy thái độ không tôn trọng thời gian của nhà tuyển dụng và công ty. Điều này có thể tạo ra ấn tượng tiêu cực về tính chuyên nghiệp và trách nhiệm của bạn ngay từ đầu, ảnh hưởng đáng kể đến kết quả cuộc phỏng vấn.
Để tránh tình trạng này, bạn nên có kế hoạch cụ thể trước ngày phỏng vấn. Hãy dành thời gian tìm hiểu và xác định chính xác địa chỉ công ty, ước tính thời gian di chuyển. Mục tiêu của bạn nên là có mặt tại địa điểm phỏng vấn sớm hơn giờ hẹn khoảng 10 đến 15 phút, điều này không chỉ giúp bạn có thời gian thư giãn và điều chỉnh tâm lý.
2. Kinh nghiệm khi đi phỏng vấn xin việc giúp bạn “nắm chắc” thành công
2.1 Nụ cười
Một nụ cười tươi chẳng những giúp cơ thể thư giãn mà nó còn giúp cho hai bên trao đổi thoải mái và bớt căng thẳng hơn, tạo ấn tượng về sự tự tin và thân thiện của bản thân trong mắt các nhà tuyển dụng.
Nếu bạn căng thẳng thì nhà tuyển dụng ở đối diện cũng sẽ cảm nhận được năng lượng nặng nề và khiến cho buổi phỏng vấn trở nên không thoải mái. Tuy nhiên, ứng viên không nhất thiết phải cười suốt buổi phỏng vấn vì sẽ dễ mang lại cảm giác giả tạo và gượng gạo.
2.2 Thái độ chuyên nghiệp và tự tin
Khi tham gia phỏng vấn xin việc chúng ta cần phải có thần thái tự tin để bản thân có khí chất chuyên nghiệp, đĩnh đạc hơn và tạo sự tin cậy ở nhà tuyển dụng. Các ứng viên nên nhìn thẳng vào mắt người hỏi, trả lời các câu hỏi của nhà tuyển dụng ở tone giọng nói vừa phải, rõ ràng và mạch lạc. Trong quá trình phỏng vấn, nếu bạn mất bình tĩnh thì hãy hít một hơi thật sâu trước khi nói để lấy lại sự tự tin của bản thân.
2.3 Tận dụng ngôn ngữ hình thể hợp lý
Các nhà tuyển dụng thường là những người đã được đào tạo kỹ lưỡng về cách “đọc vị” ngôn ngữ cơ thể, thông qua các hành động và cử chỉ trong buổi phỏng vấn để biết được bạn đang trong tâm thế nào.
Do đó, nếu muốn được đánh giá cao thì hãy dựa vào kinh nghiệm phỏng vấn xin việc để thể hiện ngôn ngữ hình thể hợp lý, sử dụng các cử chỉ toát ra sự tự tin của bản thân: Ngồi thẳng lưng, đầu hơi nghiêng thể hiện sự tập trung, ánh mắt thân thiện và nhìn thẳng vào đối phương,... Và tránh các biểu hiện ngó nghiêng, ngó dọc, vuốt tóc, nghịch nút áo thể hiện sự thiếu trung thực và kém tập trung, gây ấn tượng xấu đến các nhà tuyển dụng.
2.4 Thành thật
- Đừng quên dựa trên sự thật để thể hiện các kỹ năng và thành tích của bản thân nhằm gây ấn tượng và thu hút mạnh mẽ các nhà tuyển dụng. Các doanh nghiệp sẽ luôn đề cao và trân trọng sự trung thực, dám thừa nhận khuyết điểm của bản thân.
- Thành tích, kỹ năng, điểm mạnh là những yếu tố cần thiết giúp bản thân tỏa sáng và cũng là kinh nghiệm khi đi phỏng vấn xin việc cần phải nắm. Những ứng viên tham gia phỏng vấn không nên nói dối về những gì mình có.
- Các nhà tuyển dụng là những “chuyên gia” trong việc đánh giá năng lực, tính cách của một người, do đó, việc bạn không trung thực có thể dễ dàng bị phát hiện chỉ sau một vài câu hỏi.
- Cho dù bản thân vượt đã vượt qua được vòng phỏng vấn thì năng lực cũng sẽ bộc lộ trong thời gian thử việc. Và bạn có thể “bị” cho nghỉ nếu không đáp ứng được các yêu cầu của công việc. Lúc đó, cả ứng viên và công ty đều mất thời gian và có những cảm nhận không tốt về nhau,…
2.5 Dồi dào năng lượng
Nội dung trong câu trả lời là quan trọng nhưng bên cạnh đó các nhà tuyển dụng còn chú trọng đến cách bạn trả lời câu hỏi, giọng điệu, năng lượng trong từng câu chữ cũng quan trọng không kém.
Các ứng viên nên sử dụng giọng điệu rõ ràng, ngữ điệu nhấn nhá hợp lý và tràn đầy năng lượng tự tin, tích cực. Nếu bản thân là người có giọng nói nhỏ thì có thể luyện tập thường xuyên để có thể nâng giọng nói của mình lên khi tham gia phỏng vấn.
Những kinh nghiệm khi đi phỏng vấn xin việc
2.6 Thể hiện ưu điểm của bản thân một cách khéo léo
Để nhận được đánh giá cao từ các nhà tuyển dụng thì các ứng viên phải biết cách bộc lộ ưu điểm một cách khéo léo. Nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm thì nên thể hiện những điểm mạnh của bản thân sao cho phù hợp với vị trí đang muốn ứng tuyển. Ví dụ như: Thành tích học tập tốt, khả năng xử lý tình huống, kỹ năng giao tiếp linh hoạt, …
2.7 Tránh trả lời “không”
Tránh trả lời “không” là kinh nghiệm trả lời phỏng vấn quan trọng mà các ứng viên cần phải lưu ý. Nếu người tham gia phỏng vấn được hỏi một vấn đề mà bản thân chưa biết, không nên trả lời là “tôi không biết” vì sẽ mang lại cảm giác thụ động và tiêu cực.
Thay vào đó hãy trả lời là “vấn đề này tôi chưa tìm hiểu”, “tôi sẽ nghiên cứu thêm về vấn đề này sau” để thể hiện thái độ sẵn sàng học hỏi và chủ động của bạn.
2.8 Không nói xấu về công ty cũ
“Vì sao bạn lại ngừng làm việc ở công ty cũ?” là một trong những câu hỏi thường được xuất hiện trong các buổi phỏng vấn. Ở trường hợp này, bạn tuyệt đối không nên nói xấu công ty cũ đã từng làm việc, dù bản thân đã nghỉ vì bất kỳ lý do gì.
Theo các kinh nghiệm trả lời phỏng vấn, ứng viên có thể trả lời bằng những lý do dễ gây sự đồng cảm và khách quan như: “Tôi muốn thử sức ở một môi trường mới năng động hơn” hay “Tôi muốn bản thân có thể phát triển nhiều hơn.”
2.9 Thể hiện kỹ năng đặt câu hỏi của bản thân
Bạn sẽ bị mất điểm so với các ứng viên khác nếu chỉ ngồi im và thụ động đợi được hỏi mới trả lời. Buổi phỏng vấn là từ hai phía nên ứng viên cũng cần phải chủ động đặt các câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Việc này sẽ giúp cho không khí của buổi phỏng vấn trở nên thoải mái và gần gũi hơn.
Tuy nhiên, bạn nên đặt câu hỏi đúng thời điểm và thể hiện sự tôn trọng đối với doanh nghiệp. Nên đặt câu hỏi vào cuối buổi phỏng vấn khi được người phỏng vấn hỏi “Bạn có điều gì thắc mắc về công ty hay công việc này không?”. Lúc này ứng viên mới có thể đặt câu hỏi về các vấn đề liên quan đến công ty hay công việc.
Ví dụ về đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng: “Tôi cần bổ sung những kỹ năng gì để có thể hoàn thành công việc này hiệu quả hơn?”
>> Xem thêm Các kỹ năng khi đi phỏng vấn
3. Những việc nên làm sau buổi phỏng vấn
Sau khi đã phỏng vấn xong, để có thể ghi thêm điểm trong mắt nhà tuyển dụng thì bạn nên thực hiện các điều sau:
- Gửi email cảm ơn: Nếu muốn được đánh giá là một ứng viên chuyên nghiệp, có thái độ tốt thì ứng viên nên gửi email để chia sẻ những cảm nhận về nội dung đã trao đổi trong buổi phỏng vấn, đồng thời nói cảm ơn với nhà tuyển dụng và sự hào hứng của bản thân về công việc.
Lưu ý:
- Nếu buổi phỏng vấn vào buổi sáng, bạn nên gửi email cảm ơn này vào buổi chiều cùng ngày.
- Nếu buổi phỏng vấn vào buổi chiều thì ứng viên có thể gửi email vào sáng hôm sau cũng được.
- Trả lời email đúng hẹn (nếu có): Nếu bạn nhận được email sau buổi phỏng vấn hay cần gửi email để bổ sung thêm thông tin vào thời gian đã thống nhất với nhà tuyển dụng, hãy đảm bảo rằng bản thân trả lời một cách lịch sự và gửi chúng đúng giờ.
Bài viết trên là “Những kinh nghiệm khi đi phỏng vấn xin việc mà bạn không nên bỏ qua” do Mektec Việt Nam đã chia sẻ. Đừng quên áp dụng những kiến thức bổ ích này để có thể chuẩn bị cho buổi phỏng vấn tốt nhất và dễ dàng hơn trong việc chinh phục nhà tuyển dụng các bạn nhé !